Chia sẻ với civ.vn sau vụ việc khung sắt rơi, đè chết người chiều tối 27/9, bà Bùi Thị An (cựu đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề an toàn lao động ở các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã ở mức báo động.
"Nhiều năm qua, tai nạn lao động đã xảy ra ở các công trình cao tầng như rơi thăng vận, gãy cần cẩu... và không phải chỉ một người chết", bà An điểm lại.
Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?
Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo rà soát toàn bộ các dự án xây dựng nhà cao tầng ven đường. Lực lượng chức năng cần xem xét công trình nào không đảm bảo an toàn lao động và làm việc với chủ đầu tư. Nếu không chấp hành thì phải đình chỉ ngay.
Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội cần làm việc với các cấp chính quyền địa phương quản lý địa bàn. Hiểm họa từ các công trình xây dựng hiện nay khôn lường, có thể xảy ra hàng ngày, hàng giờ, trách nhiệm của họ ở đâu?
Nơi xảy ra vụ việc chỉ là số ít trong hàng trăm công trình cao tầng xây dựng sát hoặc ngay phía trên đường phố. Hiểm họa từ trên cao đối với người dân ở Hà Nội luôn thường trực. Ảnh: Trần Anh.
"Tính mạng con người không thể đùa được nữa. Vì vậy cần công bố các công trình, chủ đầu tư không đảm bảo an toàn, trách nhiệm chính quyền địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng", bà Bùi Thị An nói.
Lơ là giám sát, phạt nhẹ thì tai nạn là tất yếu
Đại diện Ban đô thị HĐND Hà Nội cho rằng trách nhiệm vụ rơi khung sắt làm chết người ở đường Lê Văn Lương trước tiên là của chủ đầu tư, rồi đến đơn vị thi công.
Luật Xây dựng, nghị định, thông tư hướng dẫn quy định rất rõ các công trình xây dựng phải đảm bảo an toàn lao động. Tuy nhiên, thực tế công tác này ở Hà Nội chưa đáp ứng.
"Để khung sắt rơi chết người thì hậu quả là đến từ sự tắc trách của chủ đầu tư. Nhiều công trình không che chắn an toàn đúng kỹ thuật", vị này nói.
Vì sao khung sắt rơi trúng người phụ nữ đi đường tử vong? Ngày 27/9, trước giờ nghỉ, công nhân điều khiển sàn làm việc từ tầng 7 xuống tầng 6, cần trục bị tuột ra khỏi bộ phận đối trọng khiến khung sắt rơi xuống giữa đường Lê Văn Lương.
Bên cạnh đó, muốn phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, lực lượng Thanh tra Xây dựng Hà Nội cần làm tròn chức trách chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử phạt. Bởi Nghị định 139 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, đã quy định rất rõ.
"Lực lượng chức năng lơ là giám sát, xử phạt nhẹ thì việc xảy ra tai nạn là hệ quả tất yếu", đại diện Ban Đô thị HĐND TP nhấn mạnh.
Khởi tố vụ án
Khoảng 18h ngày 27/9, khi lắp kính đến tầng 7, công nhân đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6. Lúc đó, cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng, rơi từ tầng 16 xuống đường Lê Văn Lương.
Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án vụ rơi khung sắt. Ảnh: Trần Anh.
Khung sắt rơi trúng người chị Dương Thị Hằng (31 tuổi, quê Bắc Ninh) đang đi xe máy làm nạn nhân tử vong. Tai nạn còn làm ông Nguyễn Hùng Cường (62 tuổi, ở Hà Nội) bị thương.
Theo quận Thanh Xuân, nguyên nhân sự cố là bộ phận giữ của hệ thống sàn treo Gondola bị bật khỏi vị trí và rơi xuống. Công an quận này tiếp tục điều tra, xử lý những người liên quan.
Trao đổi với civ.vn, đại diện DHP cho biết công ty xin nhận trách nhiệm đã để xảy ra tai nạn và đang phối hợp với cơ quan điều tra, giải quyết vụ việc. Trước mắt, phía công ty đã thăm hỏi gia đình các nạn nhân và cam kết sẽ lo toàn bộ việc tổ chức tang lễ và có trách nhiệm với gia đình người đã mất.
Về phía Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai, chủ đầu tư dự án, đơn vị này cho biết sau vụ việc, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã làm việc cùng cơ quan chức năng.
"Sự việc xảy ra vừa qua là sự cố ngoài ý muốn của nhà thầu dự án. Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều tra xác định nguyên nhân. Chúng tôi đang chờ kết luận điều tra chính thức của cơ quan công an để xử lý trách nhiệm liên quan”, đại diện chủ đầu tư cho hay.